Chào mừng bạn đến với trang web Ngoại Khoa Tổng Quát, nơi chia sẻ kiến thức và tài liệu về Y học Ngoại khoa ::::: Quản trị: BS. Phan Huỳnh Tiến Đạt
TIN THẾ GIỚI: * Các cơ quan quản lý thực phẩm của châu Âu phát hiện, một loại hóa chất xuất hiện trong cà phê, bim bim, khoai tây chiên, bánh mì nướng, bánh quy giòn và các loại thức ăn nhất định dành cho trẻ con có nguy cơ gây ung thư. ** Các chuyên gia thuộc Trường Y sau đại học Duke-NUS của Singapore đã tiến hành nghiên cứu 66 người lớn tuổi và kết luận người lớn tuổi càng ngủ ít, bộ não của họ càng bị teo và suy thoái nhanh hơn.
Bài đăng hôm nay
Bài viết mới nhất

7 nguyên tắc quan trọng dành cho sinh viên y khoa khi giao tiếp với bệnh nhân

Sau đây là một số nguyên tắc mà bạn có thể sử dụng trong giao tiếp với bệnh nhân, sẽ giúp bạn tự tin, nói chuyện lưu loát, gia tăng tối đa lợi ích mà bạn có được do tương tác với bệnh nhân, và hạn chế các tình huống gây lúng túng.


Nguyên tắc thứ 1: Hãy nhớ rằng bạn chưa phải là một bác sĩ

Bạn đang được bảo vệ và có thể nói cho các bác sĩ giám sát biết những lúc bạn cảm thấy không thoải mái và cần nghỉ ngơi. Chỉ giao tiếp với bệnh nhân dưới sự giám sát của bác sĩ và ở những nơi mà bạn cảm thấy thoải mái. Nếu bạn chưa từng có kinh nghiệm, đừng lo lắng, mọi chuyện sẽ tốt đẹp khi bạn bắt đầu.

Nguyên tắc thứ 2: Vai trò của bạn phải rõ ràng

Luôn giới thiệu bản thân bạn là một sinh viên của một trường nào đó, hiện đang thực tập tại đây và không bao giờ giới thiệu bạn là một sinh viên y khoa. Hãy đề cập đến trường của bạn để giữ cho mọi chuyện được rõ ràng đối với mọi người. Không có ai mong muốn bạn làm bất cứ gì ngoại trừ cười và hỏi những câu hỏi phụ.

Nguyên tắc thứ 3: Kiểm tra

Nếu bạn bắt đầu cuộc nói chuyện với bệnh nhân sau khi đã giới thiệu về bản thân, thì hãy kiểm tra xem họ có muốn nói chuyện không. Đừng ép buộc họ, họ có thể cảm thấy mệt mỏi, đau đớn, hoặc khó chịu.

Nguyên tắc thứ 4: Buổi nói chuyện không nhất thiết là phải nhằm mục đích điều tra nghiên cứu hoặc chẩn đoán.

Bạn không cần thiết phải nói chuyện về tình trạng bệnh tật của họ, thỉnh thoảng các bệnh nhân cũng thích nói về suy nghĩ của họ về các vấn đề trước mắt. Không phải tất cả bệnh nhân đều có bạn bè hoặc người thân đến thăm. Bệnh viện có rất nhiều người đang ở một mình. Bạn có thể hỗ trợ một chút về tinh thần cho họ.

Nguyên tắc thứ 5: Xin phép

Nếu một bệnh nhân đang mắc một vấn đề mà bạn đang quan tâm và muốn hỏi họ, thì trước tiên bạn nên xin phép bác sĩ điều trị cho họ. Sau đó, bạn hãy xin phép bệnh nhân để nói về lý do mà họ nhập viện trước khi bạn bắt đầu các câu hỏi khai thác sâu hơn.

Nguyên tắc thứ 6: "Xuôi theo dòng chảy"

Hãy để cho bệnh nhân dẫn dắt cuộc đối thoại. Hầu hết các trường hợp, họ sẽ nói cho bạn biết tất cả những gì họ biết. Bạn có thể tiếp chuyện với họ bằng một số câu hỏi phụ khi bạn thấy hứng thú với một số khía cạnh đặc biệt. Kinh nghiệm của các sinh viên cho thấy, các câu hỏi sẽ hữu ích khi hỏi về trải nghiệm và cảm xúc của bệnh nhân về căn bệnh của họ, hữu ích hơn những câu hỏi về các dấu hiệu và triệu chứng.

Nguyên tắc thứ 7: "Chạy thoát" (nếu cần thiết)

Kết thúc cuộc đối thoại một cách lịch sự và nhanh chóng nếu bạn cần "thoát". Thường thì bạn sẽ được các nhân viên y tế hoặc hộ lý theo dõi nhưng thỉnh thoảng bạn cũng cần kết thúc cuộc trò chuyện rất nhanh chóng. Điều này có thể là do một trong các lý do sau:
- Bạn bắt đầu cảm thấy ngột ngạt. (do phòng bệnh oi bức, có mùi lạ,...).
- Bệnh nhân trở nên giận dữ hay khó chịu.
- Bệnh nhân đột nhiên thấy không khỏe. (Trong trường hợp này, bạn nên báo cho nhân viên y tế hoặc hộ lý)

Phan Huỳnh Tiến Đạt

Bắp tay biến dạng kinh hoàng do lạm dụng steroid

Do lạm dụng steroid mà bắp tay của vận động viên thể hình Trey Brewer đã phát triển một cách bất thường và trở nên biến dạng.

Xuất hiện trên Reddit cách đây vài ngày, hình ảnh cánh tay biến dạng với cơ bắp cuồn cuộn và gân guốc nổi lên chằng chịt đã thu hút được sự chú ý của các thành viên trang mạng xã hội này.

Cánh tay biến dạng kinh hoàng của Trey Brewer.

Theo như hình ảnh được đăng tải, cánh tay gân guốc với vòng bắp tay khổng lồ này là của một nam vận động viên thể hình có tên Trey Brewer. Được biết, anh chàng này là một vận động viên thể hình nghiệp dư người Mỹ.

Không chỉ nổi tiếng với một loạt những thành tích nổi trội ở bộ môn thể hình, Brewer còn được biết đến với một cơ thể biến dạng do lạm dụng chất kích thích tăng trưởng cơ mà các vận động viên thể hình thường sử dụng.

Trong khi hầu hết các ý kiến đều cho rằng, cánh tay biến dạng của Brewer chính là hậu quả của việc lạm dụng steroid thì bên cạnh đó, một số khác lại cho rằng, đây chỉ là một sản phẩm của công nghệ chỉnh sửa ảnh. 

Nguồn: kenh14.vn

Phát choáng với cánh tay có tĩnh mạch biến dạng do chạy thận

Cánh tay với tĩnh mạch sưng phồng và nhô lên khỏi da là hậu quả của việc chạy thận trong một thời gian dài.

Thứ Sáu ngày 6/6 hôm qua, hình ảnh cánh tay nổi gân dị dạng user reneel88 chia sẻ trên Reddit đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều thành viên trang mạng xã hội này.

Hình ảnh cánh tay lúc chưa phẫu thuật.

Reneel88 cho biết, nhân vật chính trong bức ảnh là một người bạn lớn tuổi của gia đình. Do thận của ông đã bị suy nên nó không còn hoạt động được như bình thường. Để duy trì sự sống, các bác sĩ phải tiến hành chạy thận nhân tạo cho ông.

Nhưng sau một thời gian dài chạy thận, tĩnh mạch của ông đã không tiếp nhận được nữa và trở nên sưng phồng, đau đớn. Theo nhận xét của nhiều thành viên, tĩnh mạch của người đàn ông đã biến dạng giống như một con rắn nhỏ đang ẩn nấp bên trong cánh tay, chỉ trực chờ thoát ra bên ngoài.

Và hình ảnh sau phẫu thuật tĩnh mạch biến dạng.

Tuy nhiên, cuối cùng thì người đàn ông cũng đã được tiến hành phẫu thuật cánh tay. Được biết, hiện ông đang trong quá trình bình phục sức khỏe.

Nguồn: kenh14.vn 

Giật mình với con mắt chằng chịt đường chỉ khâu ở giác mạc

Hình ảnh con mắt với các đường chỉ khâu đan xen ở giác mạc đã khiến cho nhiều người cảm thấy sợ hãi.

Mặc dù đã được chia sẻ trên Reddit từ cách đây 2 năm nhưng hình ảnh giác mạc chằng chịt các đường chỉ khâu đã gây tò mò cho rất nhiều thành viên của trang mạng xã hội này.

Hình ảnh mà Philawesomeraptor chia sẻ trên Reddit.

Được biết, người đăng tải hình ảnh gây sốc này user Philawesomeraptor. Đó là hình ảnh độ phân giải cao chụp lại con mắt của bạn gái anh sau khi cô trải qua ca phẫu thuật cấy ghép giác mạc. Theo như thông tin Philawesomeraptor chia sẻ, bạn gái anh bị mắc một căn bệnh suy thoái có tên giác mạc hình chóp khiến cho giác mạc ngày một mỏng đi, gây ra các biến dạng về thị lực như lóa mắt hay đa ảnh.

Những đường chỉ khâu này không tự tan mà phải do chính bác sĩ dùng tay để cắt thường xuyên. Philawesomeraptor cho biết, bạn gái của anh không thể tự nhìn thấy những đường chỉ khâu chằng chịt trên giác mạc của mình mà chỉ người ngoài mới có thể thấy nếu nhìn ở cự ly cực gần với mắt.

Nguồn: kenh14.vn

Glucosamin không có tác dụng trong điều trị đau khớp gối

11 tháng 3, 2014 (HealthDay News) - Theo một nghiên cứu mới kết luận Glucosamin không có tác dụng làm chậm tiến trình phá hủy sụn khớp ở những bệnh nhân bị đau khớp gối mạn tính.

Hàng triệu bệnh nhân người Mỹ đang uống Glucosamin để điều trị thoái hóa khớp gối và các khớp khác.

Một nghiên cứu mới đã được công bố trên mạng Internet vào ngày 11/3/2014 trong tạp chí Viêm khớp và Thấp khớp bao gồm 200 bệnh nhân bị đau khớp gối 1 hoặc 2 bên từ nhẹ đến trung bình. Một nhóm trong số họ được chọn ngẫu nhiên để uống 1500mg Glucosamin mỗi ngày trong 24 tuần.

Tiến trình phá hủy sụn khớp gối sẽ được đánh giá bằng MRI. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt trong tiến trình hủy dần sụn khớp giữa 2 nhóm bệnh nhân, và Glucosamin không có tác dụng giảm đau khớp gối.

"Nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy rằng không có bằng chứng nào chứng tỏ việc bổ sung Glucosamin sẽ làm giảm sự phá hủy sụn khớp gối, giảm đau hay cải thiện chức năng khớp ở những bệnh nhân đau khớp gối mạn tính", theo Bác sĩ C. Kent Kwoh, hiệu trưởng trường đại học viêm khớp trung tâm Arizona.

Một cuộc khảo sát vào năm 2007 cho thấy có 10% người Mỹ sử dụng Glucosamin.

(Dịch từ WebMD) mediafire
 Phan Huỳnh Tiến Đạt
(Y2009B - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)

Giấc ngủ tốt có thể chống lại ung thư tiền liệt tuyến

Medscape (23 tháng 1, 2014) - Các nhà nghiên cứu ở Mỹ và Ai-len đã nhận thấy mức melatonin cao trong nước tiểu vào buổi sáng có thể làm giảm nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến.

Melatonin được cơ thể sản xuất vào ban đêm. Nó giúp điều hòa chu kỳ giấc ngủ và ảnh hưởng đến nhiều chức năng gắn liền với đồng hồ sinh học của cơ thể. Những người có quá ít melatonin có xu hướng khó khăn trong việc ngủ và thức dậy vào ban đêm.

Nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng: "Dữ liệu này ủng hộ cho sự ảnh hưởng của nhịp độ sinh học lên chất sinh ung thư tiền liệt tuyến".

Trưởng nhóm nghiên cứu - Sarah C. Markt, một nghiên cứu sinh đến từ Trường Y tế công cộng Harvard ở Boston, Mỹ - cho biết: "Mất ngủ và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến lượng tiết melatonin hoặc ngăn chặn nó hoàn toàn. Vấn đề sức khỏe liên quan đến melatonin thấp, làm gián đoạn giấc ngủ, và rối loạn nhịp sinh học là nguy cơ tiềm ẩn cho bệnh ung thư".

Markt cũng cho biết thêm là nghiên cứu này cần được đào sâu bằng một nghiên cứu lớn hơn.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi mức melatonin của 928 người đàn ông Ai-len trong 7 năm từ 2002 đến 2009. Kết quả, 111 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, trong đó có 24 người đã bị ung thư ác tính.

Mức trung bình của 6-sulfatoxymelatonin trong nước tiểu của nhóm nghiên cứu này là 17.14 ng/mL. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người đàn ông có mức melatonin cao hơn trung bình có khả năng giảm tới 75% nguy cơ phát triển ung thư tiền liệt tuyến so với những người có mức dưới mốc trung bình (HR, 0.25; 95% CI, 0.08 - 0.80).

(Lược dịch từ Medscape)
Phan Huỳnh Tiến Đạt
(Y2009B - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)

Một trường hợp vỏ bọc phúc mạc không triệu chứng

Tóm tắt

Vỏ bọc phúc mạc là một dị tật bẩm sinh đặc trưng bởi một màng mỏng phúc mạc bao phủ ruột non và tạo nên một túi phúc mạc phụ. Chúng tôi trình bày một trường hợp vỏ bọc phúc mạc được chẩn đoán tình cờ trên một bệnh nhân nam 82 tuổi được phẫu thuật mở bụng điều trị ung thư đại tràng. Túi phúc mạc này cũng khá dễ dàng cắt bỏ và cuộc phẫu thuật hoàn toàn không xảy ra tai biến gì.

Giới thiệu

Vỏ bọc phúc mạc là một tình trạng rất hiếm đặc trưng bởi một màng mỏng phủ lên toàn bộ ruột non và tạo nên một túi phúc mạc phụ. Các trường hợp này thường gây ra tắc ruột non hoặc có thể phát hiện tình cờ khi mở bụng. Chúng tôi trình bày một trường hợp vỏ bọc phúc mạc được chẩn đoán trong lúc phẫu thuật ung thư đại tràng.

Ca lâm sàng

Bệnh nhân nam, 82 tuổi, người da trắng, nhập viện vì đau hố chậu trái, được chẩn đoán là ung thư đại tràng xuống. Bệnh nhân không có tiền căn phẫu thuật trước đây. Khối u đại tràng này được cho là đang trong nguy cơ gây tắc đại tràng và bệnh nhân được lên lịch mổ để giải quyết khối u này. Trong lúc phẫu thuật, khi mở vào khoang phúc mạc thì phát hiện rằng toàn bộ ruột non được bao phủ bởi một màng mỏng, có thể nhìn xuyên qua và thấy ruột non trong túi phúc mạc phụ này. Sau khi cắt màng này, ruột non được giải phóng. Không có bất cứ bệnh lý liên quan nào của ruột non hay dính ruột. Phẫu thuật Hartmann được thực hiện. Hậu phẫu bệnh nhân ổn, không có biến chứng và xuất viện vào ngày hậu phẫu thứ 5.

Vỏ bọc phúc mạc bao phủ ruột non được phát hiện sau khi mở bụng.

Các quai ruột có thể được thấy khi nhìn xuyên qua lá vỏ bọc phúc mạc.

Vỏ bọc phúc mạc dính vào mặt dưới đại tràng ngang cùng với mạc nối lớn. Chỗ bám dính ở phía dưới và phía ngoài đã được tách ra.

Màng vỏ bọc phúc mạc đang được kéo lên và thấy ruột non ở dưới.

Bàn luận

Vỏ bọc phúc mạc là một tình trạng rất hiếm gặp đặc trưng bởi một màng phúc mạc phụ bao bọc toàn bộ ruột non. Màng này dính vào đại tràng lên và đại tràng xuống ở phía ngoài, dính vào đại tràng ngang ở trên và phúc mạc thành ở dưới. Nguyên nhân là do sự xoay ruột vào tuần thứ 12 của thai kỳ, điều này gây ra sự hình thành một túi phụ từ phúc mạc phủ lên rốn. Màng phúc mạc phụ này có thể phủ toàn bộ hay một phần ruột non từ góc tá hỗng tràng đến góc hồi manh tràng.

Hai biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất là: tắc ruột non cấp tính hoặc phát hiện tình cờ khi phẫu thuật mở bụng vì một bệnh lý khác. Tuy nhiên, nhiều trường hợp được phát hiện trong lúc mổ tử thi. Một số bệnh nhân có thể có những giai đoạn đau quặn bụng từng cơn hoặc tắc ruột non bán cấp trước khi đi đến chẩn đoán xác định.

Chẩn đoán vỏ bọc phúc mạc trước mổ có thể rất khó khăn vì phim Xquang bụng đứng có thể hoàn toàn bình thường hoặc chỉ thấy quai ruột non dãn và trên CT scan có thể không rõ ràng. Tách màng này ra trong lúc phẫu thuật là một biện pháp điều trị (giả sử không có thiếu máu ruột). Trong y văn, không có báo cáo nào về trường hợp phải mổ lại đối với vỏ bọc phúc mạc sau khi được tách ra.

Sự hiểu biết về bất thường bẩm sinh này là tùy thuộc vào kinh nghiệm của phẫu thuật viên, vì không có một bài trình bày giải phẫu chuẩn nào về dị tật này. Phẫu thuật nội soi ổ bụng được sử dụng ngày càng nhiều, sự hiểu biết về bất thường giải phẫu này sẽ giúp phẫu thuật viên nhận ra vỏ bọc phúc mạc và tách màng này qua nội soi mà không cần phải chuyển sang mổ hở.

Phan Huỳnh Tiến Đạt
(Y2009B – Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)

Tài liệu dịch: “An asymptomatic case of peritoneal encapsulation: case report and review of the literature”. Omer S Al-Taan, Martyn D Evans and Javid A Shami. (PubMed)
 
Website chạy tốt nhất trên các trình duyệt: Firefox và Chrome.
Copyright © 2013. Ngoại Khoa Tổng Quát - All Rights Reserved
TRANG CHỦ | GIỚI THIỆU | LIÊN KẾT | LIÊN HỆ
Template Upgrade by Phan Huỳnh Tiến Đạt