Chào mừng bạn đến với trang web Ngoại Khoa Tổng Quát, nơi chia sẻ kiến thức và tài liệu về Y học Ngoại khoa ::::: Quản trị: BS. Phan Huỳnh Tiến Đạt
TIN THẾ GIỚI: * Các cơ quan quản lý thực phẩm của châu Âu phát hiện, một loại hóa chất xuất hiện trong cà phê, bim bim, khoai tây chiên, bánh mì nướng, bánh quy giòn và các loại thức ăn nhất định dành cho trẻ con có nguy cơ gây ung thư. ** Các chuyên gia thuộc Trường Y sau đại học Duke-NUS của Singapore đã tiến hành nghiên cứu 66 người lớn tuổi và kết luận người lớn tuổi càng ngủ ít, bộ não của họ càng bị teo và suy thoái nhanh hơn.

Một trường hợp viêm mỏm ruột thừa sau cắt ruột thừa nội soi

Tóm tắt
Viêm mỏm ruột thừa là một biến chứng hiếm gặp của phẫu thuật cắt ruột thừa. Sự trì hoãn trong chẩn đoán là thường gặp vì bệnh nhân đã có tiền căn mổ cắt ruột thừa. Chúng tôi trình bày một trường hợp viêm mỏm ruột thừa được chẩn đoán trước mổ trên CT Scan với tiền căn đã mổ cắt ruột thừa qua nội soi. Một bệnh nhân nam, 18 tuổi, có bệnh sử 1 ngày với các triệu chứng đau bụng vùng hạ vị, kèm buồn nôn và nôn ói. Bệnh nhân đã có tiền căn cắt ruột thừa nội soi do viêm ruột thừa cấp. Khám lâm sàng thấy vùng hạ vị ấn đau có đề kháng. CT Scan thấy dịch tự do ở vùng chậu và một cấu trúc hình ống dài khoảng 2.5 cm, đường kính 0.78 cm ở hố chậu phải. Nội soi thám sát được thực hiện để xác định chẩn đoán. Khi vào bụng thấy mỏm ruột thừa viêm dính, phẫu thuật viên đã tiến hành gỡ dính và cắt mỏm ruột thừa. Kết quả giải phẫu bệnh xác định đây là cấu trúc của ruột thừa với sự thâm nhiễm bạch cầu đa nhân trung tính và nhiều ổ xuất huyết hoại tử. Hậu phẫu không có biến chứng gì xảy ra. Việc chẩn đoán viêm mỏm ruột thừa là một thách thức. CT Scan là một phương tiện hữu ích giúp chẩn đoán những trường hợp hiếm gặp này.
Giới thiệu
Cắt không hết ruột thừa có thể để lại biến chứng sau này là viêm mỏm ruột thừa. Viêm mỏm ruột thừa (sự tái viêm nhiễm của mô ruột thừa còn sót lại) là một biến chứng hiếm gặp của phẫu thuật cắt ruột thừa. Việc chẩn đoán viêm mỏm ruột thừa trên bệnh nhân đã có tiền căn cắt ruột thừa là một thách thức.
Ca lâm sàng
Bệnh nhân nam, 18 tuổi, có bệnh sử 1 ngày với các triệu chứng đau bụng vùng hạ vị, sốt, kèm buồn nôn và nôn ói. Bệnh nhân đã được cắt ruột thừa qua nội soi do viêm ruột thừa cấp vào 3 tháng trước và hậu phậu không có biến chứng gì xảy ra. Khám lâm sàng thấy vùng hạ vị ấn đau có đề kháng. Số lượng bạch cầu là 9.8 x 109/L. CT Scan thấy dịch tự do ở vùng chậu và một cấu trúc hình ống dài khoảng 2.5 cm, đường kính 0.78 cm ở hố chậu phải. Nội soi thám sát thấy dịch mủ ở vùng chậu và một khối viêm dính ở hố chậu phải. Mỏm ruột thừa được phát hiện, phẫu thuật viên đã tiến hành gỡ dính và cắt bỏ mỏm ruột thừa. Kết quả giải phẫu bệnh xác định đây là cấu trúc của ruột thừa với sự thâm nhiễm bạch cầu đa nhân trung tính và nhiều ổ xuất huyết hoại tử. Hậu phẫu không có biến chứng gì xảy ra. Bệnh nhân đã được theo dõi trong vòng 9 tháng nhưng không có bất cứ than phiền gì.
CT bụng: hình ảnh mỏm ruột thừa tăng cản quang, dày thành và thâm nhiễm mô mỡ mạc treo xung quanh (A). Mỏm ruột thừa với chiều dài đo được khoảng 2.5 cm, tăng cản quang và viêm ở đoạn xa. Có ít dịch xung quanh và hơi trong lòng ruột thừa (B).
Bàn luận
Nguyên nhân của viêm mỏm ruột thừa là do cắt không hết ruột thừa trong lần phẫu thuật trước đó. Sự tái viêm nhiễm của mô ruột thừa còn sót lại đã được báo cáo là xảy ra sớm nhất sau 2 tháng và trễ nhất là 50 năm sau phẫu thuật lần đầu cắt ruột thừa.
Việc chẩn đoán viêm mỏm ruột thừa trên những bệnh nhân đã được mổ cắt ruột thừa trước đó là một vấn đề khó khăn dễ gây ra trì hoãn trong chẩn đoán. Cần phải có các dấu hiệu cho phép nghi ngờ những trường hợp này để có thể xác định chẩn đoán sớm. Siêu âm và CT Scan có thể sẽ hữu ích trong việc đưa ra chẩn đoán. Thú vị ở chỗ là trên CT bụng thấy hơi trong lòng ruột thừa đoạn gần ở bệnh nhân của chúng tôi. Khoảng 15% các trường hợp viêm ruột thừa cấp có hơi trong lòng ruột thừa. Đã có một số giải thích có khả năng: sự tắc nghẽn đã làm bít đường thoát ra của các chất trong lòng ruột thừa; chẩn đoán có thể đã được đặt ra trước khi hơi được hấp thu hết; hơi có thể được sinh ra bởi các vi khuẩn trong lòng ruột thừa đã bị tắc nghẽn; hoặc tình trạng viêm có thể xảy ra mà không có sự tắc nghẽn.
Thắt gốc ruột thừa bằng Endoloop
Các báo cáo về các trường hợp viêm mỏm ruột thừa là khá hiếm và không có liên quan đến loại phẫu thuật. Nó có thể xảy ra trên những bệnh nhân đã từng được mổ hổ cắt ruột thừa có cột thắt gốc, mổ hở cắt ruột thừa ngược dòng và mổ nội soi cắt ruột thừa. Trong cắt ruột thừa qua nội soi, gốc ruột thừa được thắt chặt bằng Endoloop (mối chỉ cột kiểu Roeder) hoặc bằng clip kẹp. Trong ca lâm sàng của chúng tôi, gốc ruột thừa được thắt bằng Endoloop trong lần phẫu thuật đầu tiên và bằng clip kẹp trong lần phẫu thuật thứ 2. Không có sự khác nhau nào được báo cáo giữa 2 kỹ thuật thắt gốc ruột thừa (Endoloop và clip), ngoại trừ có nguy cơ thấp bị nhiễm trùng tại vị trí phẫu thuật trong khoang bụng và phải nhập viện lại đối với các trường hợp sử dụng clip. Viêm mỏm ruột thừa nên được đưa vào chẩn đoán phân biệt đối với những bệnh nhân có tiền căn mổ cắt ruột thừa, nhập viện vì các dấu hiệu và triệu chứng của viêm ruột thừa. CT Scan là một phương tiện hữu ích giúp chẩn đoán những trường hợp hiếm gặp này.
Phan Huỳnh Tiến Đạt
(Y2009B – Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)

Tài liệu dịch: “Stump appendicitis after laparoscopic appendectomy: case report”. Omaima BU-ALI, Mohamed AL-BASHIR, Hashim A SAMIR, Fikri M. ABU-ZIDAN. Turkish Journal of Trauma & Emergency Surgery.
Share this article :

 
Website chạy tốt nhất trên các trình duyệt: Firefox và Chrome.
Copyright © 2013. Ngoại Khoa Tổng Quát - All Rights Reserved
TRANG CHỦ | GIỚI THIỆU | LIÊN KẾT | LIÊN HỆ
Template Upgrade by Phan Huỳnh Tiến Đạt